Những ngày qua, trên mọi phương tiện thông tin đại chúng đều đưa tin về các vụ cháy nổ do rò rỉ gas. Hậu quả để lại sau những vụ cháy nổ này là quá đau thương. Vì vậy phòng chống rò rỉ gas là vô cùng cần thiết. trong bài viết này, chúng tôi muốn gửi tới các nguyên nhân gây cháy nổ gas và mẹo vặt để phát hiện sự rò rỉ đó.

Nguyên nhân cháy nổ gas

– Do dùng bếp cũ lâu ngày, đồng thời quá trình sau khi ngừng sử dụng không khoá van gas, dẫn đến gas rò rỉ ra ngoài qua bếp.

– Do van gas dùng lâu ngày, hoặc các tác nhân bên ngoài tác động làm van gas rò rỉ.

– Do dây dẫn: bị nứt hay thủng do chuột cắn hay các nhân khác, hoặc các kẹp nối dây dẫn gas ở đầu bếp và van an toàn bị lỏng khiến gas rò rỉ ra ngoài.

– Do người sử dụng sau khi tắt bếp đã không tắt hết công tắc đóng mở gas về đúng vị trí tắt hết gas, khiến cho gas rò rỉ ra ngoài. Hoặc trong quá trình đun nấu không giám sát thường xuyên, dẫn đến khi xảy ra một số trường hợp như nước tràn xuống bếp hay gió lùa làm tắt bếp (đối với những bếp gas không có hệ thống cảm ứng nhiệt tự ngắt an toàn) khiến cho lửa tắt nhưng công tắc bếp vẫn mở làm gas thoát ra ngoài.

Tất cả những nguyên nhân khiến gas rò rỉ như trên kết hợp với tác nhân tia lửa điện (bật tắt công tắc điện, bật bếp v.v…) do người sử dụng tạo ra từ sự không hiểu biết khi xử lý sự cố đã vô tình khiến cho gas phát nổ.

Dùng nước xà phòng kiểm tra rò rỉ gas

Khi sử dụng gas mọi người nên thật sự ý thức và nghiêm túc thực hiện những quy tắc sử dụng an toàn và xử lý sự cố rò rỉ gas:

– Khi mua bình gas, phải chọn những bình gas mới, còn nguyên niêm phong cổ bình, đặc biệt đối các hãng gas như gas Petrolimex, Shell, Total, Elf phải lấy gas tại các đại lý chính hãng. Khi thay gas, khách hàng cần đề nghị nhân viên vặn chặt van an toàn của bình gas và giám sát chặt chẽ quá trình thay gas của nhân viên.

– Trong quá trình đun nấu, người sử dụng phải giám sát thường xuyên, để nếu có xảy ra sự cố còn kịp thời xử lý.

– Sau khi sử dụng cần tắt hết bếp (đặc biệt lưu ý với những bếp đánh lửa bằng điện, phải kiểm tra vị trí tắt của công tắc bếp). Đồng thời khóa van an toàn ngay sau khi ngừng sử dụng.

– Kiểm tra định kỳ dây dẫn gas,  van an toàn, các điểm nối dây dẫn gas ở bếp và ở van an toàn bằng cách quét nước xà phòng. Tuyệt đối không dùng bật lửa để dò tìm, nếu phát hiện có hiện tượng rạn nứt dây gas hay hở van gas phải khóa van gas và thông báo cho đại lý hoặc nhà phân phối để thay thế.

– Nên sử dụng loại bếp gas âm có bộ phận cảm ứng nhiệt tự động ngắt gas khi nước tràn hoặc gió lùa làm tắt lửa. Nếu bếp không có bộ phận cảm ứng nhiệt thì khi đun phải thường xuyên chú ý để kịp thời tắt công tắc bếp nếu bếp bị tắt. Chỉ bật lại bếp khi không còn mùi gas trong khu vực bếp.

– Đối với dây gas nên 1 năm thay một lần. Còn van gas, 2 năm thay một lần. 

Xử lý sự cố rò rỉ gas

Bước 1: Khi phát hiện có mùi gas phải lập tức tắt các nguồn lửa, khoá van bình gas. Tuyệt đối không đóng hoặc ngắt công tắc điện, quạt điện làm phát sinh tia lửa điện gây cháy nổ khí gas.

Bước 2: Mở thoáng cửa ra vào thông với gian bếp, dùng các dụng cụ thủ công như quạt tay, bìa cát tông để quạt đẩy khí gas ra ngoài.

Bước 3: Quét nước xà phòng lên van an toàn và dây dẫn gas  để tìm chỗ rò rỉ, tuyệt đối không dùng bật lửa để dò tìm.

Bước 4: Gọi điện cho nhà cung cấp để xử lý sự cố